Các nhà khoa học tại trường đại học Texas (bang Texas, Mỹ) đã phát minh ra công nghệ mới cho phép biến điện thoại di động thành một thiết bị nhìn xuyên tường, và thậm chí có thể là cả… quần áo.
Một nhóm nghiên cứu của trường Đại học Texas, được dẫn đầu bởi Giáo sư ngành Cơ Điện Kenneth O. đã khai thác 2 thành tựu tiến bộ đáng kể của khoa học để tạo ra công nghệ mới, cho phép điện thoại di động có thể “soi” xuyên tường.
Đầu tiên đó là khai thác dải tần không được dùng đến trong quang phổ điện từ, và một công nghệ vi mạch điện tử mới.
Nghiên cứu của tiến sĩ O. sử dụng tần số Terahertz (THz), là tần số mà các thiết bị tiêu dùng hầu hết không thể tiếp cận được. Tần số nằm giữa sóng cực ngắn và sóng hồng ngoại có thể cho phép thiết bị “thâm nhập” xuyên qua các đối tượng, tương tự như tia X-Quang.
Khi tín hiệu THz phát ra từ điện thoại di động, chúng sẽ được phản hồi trở lại, và đó là lúc mà vi mạch điện tử mới phát huy tác dụng.
Các vi mạch này được sản xuất bằng cách sử dụng công nghệ CMOS, là công nghệ được sử dụng hầu hết ở các thiết bị điện tử hiện nay. Một cảm biến trên chip sẽ nhận các tín hiệu TeraHertz được phản hồi lại, và sau đó, hình ảnh sẽ được tạo ra.
Với việc sử dụng công nghệ sản xuất chip CMOS phổ dụng, các nhà khoa học tin rằng thiết bị được trang bị công nghệ mới này sẽ không có giá thành quá cao.
Công nghệ mới này sẽ cho phép người dùng nhìn xuyên tường và nhiều dạng đối tượng khác. Nó sẽ thực sự phát huy hiệu quả trong y học, với vai trò tương tự như máy X-Quang. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng công nghệ này để phát hiện tiền giả.
Trong trường hợp người dùng đang lo lắng rằng công nghệ này có thể ảnh hưởng đến sự riêng tư và cá nhân của người khác, khi có thể nhìn… xuyên quần áo, thì các nhà nghiên cứu cũng đã nhận thức được đầy đủ mối quan ngại này. Đó là lý do tại sao tiến sĩ O. và nhóm của ông chỉ tập trung phát triển để công nghệ có tác dụng trong khoảng cách tối đa 10cm.