Một số công nghệ nền tảng của hệ sinh thái công nghệ số

Thứ năm - 21/03/2024 16:03
Chuyển đổi số hiện là xu thế tất yếu trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra và đã đạt được những kết quả tích cực ở cả 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chuyển đổi số là quá trình áp dụng các công nghệ mới trong hệ sinh thái công nghệ số. Bài viết nghiên cứu tổng quan về một số công nghệ nền tảng cũng như xu hướng chuyển đổi số ở Việt Nam.



Hệ sinh thái công nghệ số
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách tư duy, văn hóa làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số bằng cách áp dụng các công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số được kết nối với nhau để tạo ra các hoạt động mới hoặc thay đổi đối với các hoạt động hiện có. Chuyển đổi số đề cập đến các tác động kinh tế và xã hội của quá trình số hóa.
Các công nghệ và dữ liệu số cấu thành nên hệ sinh thái công nghệ số (Hình 1). Một số công nghệ nền tảng của hệ sinh thái công nghệ số bao gồm: Internet vạn vật (Internet of Things - IoT), mạng không dây 5G (5G networks), điện toán đám mây (Cloud computing), phân tích dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), Năng lực tính toán và siêu máy tính (Computing power) với sự tương tác và bổ sung cho nhau, mở ra những khả năng mới. Một số công nghệ này đã và đang là một phần của cuộc sống hàng ngày của chúng ta [1].

Hình 1. Nền tảng công nghệ của hệ sinh thái số
Mạng di động 5G
5G là xu hướng phát triển tất yếu và nó có khả năng làm thay đổi hoàn toàn xã hội của chúng ta trong tương lai. Mạng thông tin di động 5G được kỳ vọng sẽ là trụ cột, là cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số (Hình 2). Ưu thế vượt trội của mạng 5G là tốc độ truyền dữ liệu cực nhanh, gấp từ 20 đến 100 lần so với 4G. Thế hệ mạng không dây mới có khả năng truyền một lượng lớn dữ liệu trong thời gian rất ngắn, giúp giảm đáng kể độ trễ. Sự khác biệt đủ lớn này có thể đem lại những thay đổi căn bản trong thời đại chuyển đổi số như hiện nay. 5G sẽ phục vụ người tiêu dùng, doanh nghiệp và đưa IoT lên một tầm cao mới. 5G sẽ tạo ra các ngành và dịch vụ hoàn toàn mới, với dự báo tạo ra khoảng 13.100 tỷ USD và 2 triệu việc làm mới vào năm 2035 [2].

Hình 2. Một số ứng dụng của mạng 5G
Internet vạn vật
Internet là mạng lưới kết nối các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh… với nhau để trao đổi, chia sẻ dữ liệu. Internet vạn vật là một hệ thống mà Internet được kết nối với thế giới vật chất thông qua các cảm biến (sensors). Các cảm biến có nhiệm vụ cảm nhận các tín hiệu từ môi trường như nhiệt độ, áp suất, ánh sáng,… và chuyển chúng thành các dạng dữ liệu trong môi trường Internet. IoT được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực như giao thông thông minh (Hình 3), nhà thông minh, trường học thông minh,… đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các thực thể giữa môi trường thực và môi trường số [3].

Hình 3. Ứng dụng IoT trong giao thông thông minh
Trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI) là khả năng máy móc và hệ thống thu nhận và áp dụng kiến thức, bao gồm bằng cách thực hiện nhiều nhiệm vụ nhận thức, ví dụ như cảm nhận, xử lý ngôn ngữ, nhận dạng mẫu, học tập, đưa ra quyết định và dự đoán. AI sẽ không chỉ phản hồi một cách máy móc theo những gì đã lập trình mà còn có thể “suy nghĩ” và tự đưa ra quyết định vượt ra khỏi phạm vi lập trình như ban đầu. AI sẽ tự thiết lập mục tiêu và không ngừng cải thiện các phương thức thực hiện, từ dữ liệu trong quá khứ, cho đến khi tìm được phương thức tối ưu và hiệu quả nhất để hoàn thành mục tiêu đề ra. AI đã có sự phát triển vượt bậc và trở thành một trong những công nghệ then chốt góp phần thay đổi và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia... Trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 diễn ra từ ngày 22-23/9/2022, các doanh nghiệp đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong lĩnh vực này (Hình 4).

Hình 4. Tọa đàm “Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo từ doanh nghiệp”
Điện toán đám mây
Điện toán đám mây là công nghệ cho phép năng lực tính toán nằm ở các máy chủ ảo gọi là đám mây trên Internet của các nhà cung cấp dịch vụ, cho phép khách hàng quyền truy cập linh hoạt theo yêu cầu vào nhiều loại tài nguyên máy tính. Điện toán đám mây làm tăng khả năng linh hoạt trong sử dụng dịch vụ, tính sẵn có, tính mở rộng, sự đa dạng và phổ biến của tài nguyên máy tính theo cách tạo điều kiện thuận lợi cho các công nghệ kỹ thuật số khác, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ dữ liệu lớn [4].
Điện toán đám mây đề cập đến quá trình bảo trì, lưu trữ, quản lý, xử lý, phân tích và bảo mật dữ liệu bằng cách khai thác các máy chủ dựa trên Internet. Dữ liệu không được lưu trữ trên thiết bị vật lý mà trên đám mây, điều này giúp tổ chức quản lý điều hành tốt hơn, hợp lý hóa quy trình, nâng cao năng suất, tối ưu hóa chi phí và nâng cao trải nghiệm kỹ thuật số của người dùng.
Công nghệ chuỗi khối blockchain
Blockchain hiện đang là xu thế công nghệ của thời đại, trong đó toàn bộ dữ liệu được mã hóa thành các khối và được liên kết với nhau tạo thành chuỗi dài. Mỗi khi có một thông tin hay một giao dịch mới phát sinh, thông tin cũ sẽ không bị mất đi, thông tin mới sẽ được lưu vào một khối mới và gắn nối tiếp vào khối cũ tạo thành một chuỗi. Blockchain cũng là một trong những công nghệ then chốt của chuyển đổi số, được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực như đô thị thông minh, công nghệ tài chính, kinh tế chia sẻ, chuỗi cung ứng, dịch vụ công... [5].
Ngày 28/7/2022, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phối hợp với Công ty CP Vietnam Blockchain (VBC) tổ chức hội thảo chuyên đề "Ứng dụng Blockchain trong định danh số và tiềm năng công nghệ". Theo đó, các giải pháp định danh số được coi là một bước tiến lớn đối với định hướng tiếp cận công nghệ Blockchain tại Việt Nam. Không những giúp cung cấp tính chủ động trong việc xác thực và bảo mật thông tin trên môi trường trực tuyến, giải pháp còn giúp đơn giản hóa tương tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân, qua đó có thể mang lại những lợi ích đáng kể trong định hướng cải tiến quy trình hoạt động của doanh nghiệp (Hình 5).

Hình 5. Hội thảo chuyên đề về ứng dụng Blockchain trong định danh số
Phân tích dữ liệu lớn
Thuật ngữ "dữ liệu lớn" (Big data) thường đề cập đến dữ liệu được đặc trưng bởi khối lượng lớn, tốc độ xử lý và sự đa dạng. Nó được hỗ trợ từ IoT và một số các công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và năng lực tính toán mạnh mẽ [6]. Dữ liệu sinh ra từ hàng tỷ điện thoại thông minh, thiết bị và cảm biến kết nối vạn vật là rất lớn. Nếu công nghệ trước kia cần một thời gian rất dài để xử lý dữ liệu như vậy thì công nghệ số hiện nay cho phép xử lý, phân tích trong khoảng thời gian ngắn hơn rất nhiều để trích rút ra thông tin, tri thức hoặc đưa ra quyết định một cách phù hợp.
Sự kết hợp hoàn hảo của dữ liệu IoT, khả năng phân tích dữ liệu lớn và chuyển đổi số cho phép các công ty, doanh nghiệp không chỉ điều chỉnh thời gian thực (real time) theo nhu cầu của khách hàng mà còn dự đoán được hành vi trong tương lai của người tiêu dùng. Nếu chuyển đổi số là con đường thì dữ liệu lớn được xem là một trong những phương tiện.
Năng lực tính toán và siêu máy tính
Năng lực tính toán và siêu máy tính là sự tổng hợp sức mạnh xử lý để mang lại hiệu suất cao hơn nhiều so với khả năng có thể có với một máy tính thông thường. Máy tính lượng tử được kỳ vọng sẽ trở thành bước tiến vĩ đại trong lịch sử siêu máy tính, với khả năng siêu xử lý đang là xu hướng nghiên cứu trên thế giới để phát triển các kỹ thuật mới trong việc xử lý các bài toán phức tạp. Dự báo tính toán lượng tử sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mới trong đời sống con người với máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo, hay bảo mật thông tin và rất nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau.
Đối với Việt Nam, việc áp dụng các công nghệ nền tảng của hệ sinh thái số nhằm tạo ra môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia để cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì. Tuy nhiên các nền tảng số đang sở hữu khối lượng lớn dữ liệu người dùng và thông tin doanh nghiệp, từ đó dẫn đến những nguy cơ và thách thức về an toàn, bảo mật thông tin. Không khó để bắt gặp thông tin về các cuộc tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu được đăng tải trên các phương tiện truyền thông với mật độ phủ sóng dày đặc.
Những lo ngại về việc bảo mật dữ liệu, bảo đảm an toàn thông tin trước yêu cầu chuyển đổi số không chỉ còn là nỗi lo của riêng các nhà chức trách, mà còn của doanh nghiệp, người dân. Theo thống kê từ Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan này đã nhận được hơn 1.000 lượt phản ánh của người dân về các sự vụ lừa đảo trên không gian mạng, trong đó chủ yếu là giả mạo các tổ chức tài chính, ngân hàng. Vì vậy công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các nền tảng số phải được coi trọng, ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ không thể tách rời trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.


 

Tác giả bài viết: trương đình dũng

Nguồn tin: antoanthongtin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới Thiệu

Ủy ban nhân dân tỉnh công bố thủ tục hành chính nội bộ trong tỉnh Sơn La

Công bố kèm theo Quyết định này thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của UBND tỉnh Sơn La bao gồm các lĩnh vực: Lĩnh vực nội vụ: Thủ tục Bổ nhiệm vào ngạch công chức đối với người hoàn thành chế độ tập sự; thủ tục Thẩm...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến website trung tâm CNTT & Truyền thông qua kênh thông tin nào

Ảnh hoạt động
IMG-7754.jpg IMG-7795.jpg IMG-7801.jpg IMG-7771.jpg 20170719-092244.jpg 20170719-092505.jpg
Liên kết nhanh
Thống kê
  • Đang truy cập38
  • Hôm nay5,222
  • Tháng hiện tại134,874
  • Tổng lượt truy cập9,415,864
Hỗ Trợ Online
Soi Keo Bong Da,
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây