Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung
Xử lý hơn 7 tỷ hóa đơn điện tử
Trong lĩnh vực thuế, về khai thuế điện tử, Bộ Tài chính cho biết, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 100% cục thuế và chi cục thuế.
Tính đến ngày 14/3/2024, có 919.904 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,94%; số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là hơn 3,6 triệu hồ sơ. Số tài khoản dịch vụ thuế điện tử dành cho cá nhân đã đăng ký là hơn 2,7 triệu tài khoản; số lượng tờ khai điện tử dịch vụ khai lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy là hơn 434 nghìn tờ khai trên tổng số hơn 973 nghìn hồ sơ, đạt tỷ lệ 44,69%.
228,3 triệu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền
Triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết quả đến ngày 18/3/2024, có 47.122 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là hơn 228,3 triệu hóa đơn. Tổng số tiền thuế là hơn 11,1 nghìn tỷ đồng, tổng số doanh thu là 162.481,5 tỷ đồng.
Liên quan đến dịch vụ nộp thuế điện tử eTax Mobile, Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 14/3/2024, số lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile 830.974 lượt, số giao dịch qua Ngân hàng thương mại là hơn 1,2 triệu giao dịch với tổng số tiền đã nộp thành công là hơn 3.147 tỷ đồng. Triển khai Cổng Thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài, từ khi triển khai đến ngày 14/3/2024 đã có 84 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công.
Về nộp thuế điện tử, cơ quan thuế đã phối hợp với 57 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ. Tính đến ngày 14/3/2024, đã có 99,09% số doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế; 98,48% số doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng (trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động); các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua hơn 1,4 triệu giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là trên 220.570 tỷ đồng. Có gần 400 nghìn giao dịch nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy trên cả nước qua hình thức Ibanking và Mobile banking chiếm hơn 36% trên tổng số giao dịch.
Về hoàn thuế điện tử, tính đến ngày 14/3/2024, tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử đã đạt tỷ lệ 99%. Số hồ sơ tiếp nhận là 12.620 hồ sơ (đạt tỷ lệ 99%); tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn điện tử là 3.495 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 24.972 tỷ đồng.
Hiện nay, ngành Thuế đã triển khai hệ thống hóa đơn điện tử tại 63 tỉnh, thành phố. Kết quả từ khi triển khai đến ngày 14/3/2024, tổng số hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý là khoảng 7,11 tỷ hóa đơn (trong đó có gần 2 tỷ hóa đơn có mã; 5,12 tỷ hóa đơn không mã, 1,53 triệu hóa đơn theo lần phát sinh).
Dẫn đầu bảng xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin
Những chuyển động về đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa trong lĩnh vực hải quan cũng không hề thua kém so với ngành Thuế. Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để triển khai các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia. Đến nay, có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với hơn 69,5 nghìn doanh nghiệp đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng Cơ chế một cửa ASEAN, duy trì kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để trao đổi chính thức tờ khai hải quan ASEAN theo kế hoạch.
Về hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung của ngành Hải quan, tiếp tục quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung của ngành Hải quan ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trong lĩnh vực kho bạc, 100% thủ tục hành chính lĩnh vực kho bạc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan đẩy mạnh.
Trong một cuộc hội thảo về chuyển đổi số của ngành Tài chính, TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã ghi nhận những kết quả đạt được trong chuyển đổi số ngành Tài chính. Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, cho đến nay, việc triển khai chuyển đổi số, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư của ngành Tài chính đã thu được nhiều kết quả nổi bật. Bộ Tài chính cũng là một trong những bộ ngành đầu tiên ban hành các văn bản định hướng nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi số.
“Trong nhiều năm liên tiếp, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (chỉ số ICT Index). Các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số với các kết quả ấn tượng” - TS. Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.
Bộ Tài chính tiên phong trong chuyển đổi số
Bộ Tài chính đang tiên phong, chủ động triển khai lộ trình chuyển đổi số. Để duy trì các thành tích đạt được và thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong tổ chức, vận hành, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ trên môi trường số.
Việc thực hiện trên môi trường số tạo thuận lợi cho cả cơ quan quản lý và người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, góp phần giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp sẽ giúp họ tham gia nhiều hơn vào hoạt động của Bộ Tài chính để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.
Liên quan đến vấn đề đột phá chuyển đổi số trong Chiến lược Tài chính đến năm 2030, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, Chiến lược Tài chính đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tổng quát là “xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia”.
Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, Chiến lược Tài chính đến năm 2030 đã đưa ra 3 đột phá về nâng cao chất lượng thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nền tảng tài chính số; khơi thông và phát huy tiềm lực tài chính. Trong đó, đột phá chuyển đổi số đặc biệt quan trọng trong bối cảnh công nghệ số có tác động ngày càng lớn hơn vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, triển khai tài chính số và hướng tới tài chính số có vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu Chiến lược là xây dựng nền tài chính hiện đại, hiệu quả.
Chuyển đổi số cũng cụ thể hóa các chủ trương, mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội trong lĩnh vực Tài chính. Đối với mục tiêu đột phá chuyển đổi số, Chiến lược Tài chính đến năm 2030 đồng thời cũng đưa ra nhóm giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập nền tảng tài chính số; cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước...
Tác giả bài viết: Minh Anh
Nguồn tin: baomoi.com:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Sơn La, được thành lập từ 20/12/2004, tại Quyết định số 189/2004/QĐ-UB, của UBND tỉnh Sơn La, tiền thân là Trung tâm tin học trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh Sơn La. Chính thức được đổi tên thành Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La từ...