Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn. Ảnh: Nguyên Đức. |
Chiến tranh mạng diễn biến phức tạp
Tại hội thảo “Nghị viện các quốc gia trong việc phòng, chống mối đe dọa của chiến tranh mạng đối với hòa bình, an ninh thế giới” diễn ra ngày 28/1 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh: Bên cạnh những thuận lợi, đóng góp tích cực, hiện nay thế giới đang đứng trước không ít thách thức, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cá nhân, nhà nước, xã hội, thậm chí có thể đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, an ninh thế giới từ mạng Internet.
Internet đang dần trở thành phương tiện hữu hiệu của tội phạm sử dụng công nghệ cao, là công cụ được sử dụng để can thiệp vào an ninh, ổn định của các quốc gia, tổ chức.
“Trong thời gian qua, trên phạm vi quốc tế, đã có không ít cuộc xâm nhập, tấn công trái phép được cho là có tổ chức vào cơ sở hạ tầng thông tin của các quốc gia, tổ chức trên môi trường mạng. Xu thế này ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường. Tại Việt Nam, vài năm gần đây đã có hàng ngàn trang điện tử bị tấn công có chủ đích, trong đó bao gồm cả các trang thông tin của cơ quan nhà nước, website lớn, báo điện tử… gây thiệt hại nhiều tỷ đồng”, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, đại diện Cục Tác chiến điện tử, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, tuy có nhiều quan điểm khác nhau về chiến tranh mạng nhưng bản chất của cuộc chiến này là lấy CNTT làm trụ cột, mạng Internet làm phương tiện với các biểu hiện gây nghẽn mạng, tấn công từ chối dịch vụ, phân tán, hủy hoại thông tin, ăn cắp dữ liệu, lọc bỏ thông tin mật và dùng phần mềm độc hại, virus để làm tê liệt hệ thống máy tính, hệ thống mạng.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch An ninh mạng, Bkav đánh giá, tấn công mạng sử dụng mã độc không chỉ xảy ra tại các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức… mà còn gia tăng ngay tại Việt Nam. Mã độc được ghi nhận trong những cuộc tấn công có chủ đích tại các cơ quan Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các viện nghiên cứu, trường đại học… Trong đó, các loại mã độc này khai thác lỗ hổng trong phần mềm soạn thảo văn bản, phát tán qua phần mềm crack…
Còn theo ông Lê Xuân Minh, Trưởng phòng II, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an đánh giá: Năm 2014, tình hình an ninh mạng trên thế giới diễn biến rất phức tạp, mạng Internet được sử dụng như một vũ khí lợi hại trong các cuộc xung đột quân sự giữa các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, trong năm qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao đang diễn ra phức tạp với quy mô, tính chất và mức độ nghiêm trọng. Trong đó, nổi lên là tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao để tấn công hệ thống mạng máy tính của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân.
Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, năm 2014 có đến 7300 trường hợp các cổng, trang thông tin điện tử tại Việt Nam bị tấn công. Điển hình nhất là đợt tấn công vào hệ thống của VCCorp hồi tháng 10/2014 với hơn 800 máy chủ, gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng đó, báo cáo của Kaspersky Lab đưa ra gần đây cho thấy, Việt Nam đứng đầu top 10 quốc gia có khả năng nhiễm độc trên thế giới, xếp thứ 6 trong top 20 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất, đứng thứ 4/20 nước có nguy cơ bị lây nhiễm online cao nhất thế giới…
“Vấn đề bảo mật hệ thống mạng tại Việt Nam cũng như ý thức chủ quan của người sử dụng máy tính khiến công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng đang tồn tại nhiều bất cập về hạ tầng, nhân lực và nhận thức”, ông Lê Xuân Minh nói.
Cần chủ động đối phó
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, chiến tranh mạng đang trở thành chủ đề được các quốc gia, tổ chức và cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm. Nhiều quốc gia đã xây dựng những chiến lược về an toàn thông tin quốc gia, công bố thành lập lực lượng tác chiến mạng. Một số nước đã cùng nhau lập tổ chức liên minh về bảo vệ không gian mạng; một số tổ chức khu vực, quốc tế cũng ra tuyên bố chung, sáng kiến về vấn đề này.
“Nếu như chiến tranh thông thường được quốc tế xử sự bằng nhiều điều ước, văn bản, thỏa thuận thì nhất thiết cũng phải xây dựng các quy định, quy tắc về xử lý đối với chiến tranh mạng bởi loại hình chiến tranh này không kém nguy hiểm, phức tạp so với chiến tranh thông thường”, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Ông Ngô Tuấn Anh cho rằng, trước bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần có cơ chế phối hợp hiệu quả trong điều tra tấn công giữa cơ quan hành pháp và đơn vị về an ninh mạng, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt trong việc tìm các server C&C (máy chủ điều khiển), phát hiện phương thức tấn công của hacker, xác định điểm yếu của hệ thống, xây dựng các giải pháp bảo vệ và ngăn ngừa…
Đồng quan điểm, ông Graham Orr, Chuyên gia từ Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam bày tỏ các tổ chức, cơ quan cần đề cao ý thức về an ninh mạng. Ngoài ra, sự hợp tác giữa các quốc gia với nhau là xu thế bắt buộc do mức ảnh hưởng của tội phạm mạng luôn mang tính ảnh hưởng toàn cầu, không riêng từng quốc gia.
Trước nguy cơ chiến trang mạng, ý thức được tầm quan trọng của vấn đề, với vị trí, vai trò là tổ chức hợp tác liên nghị viện toàn cầu, Đại hội đồng liên minh Nghị viện thế giới IPU lần thứ 130 và 131 đã quyết định Đại hội đồng IPU lần thứ 132 được tổ chức tại Việt Nam sẽ thảo luận, thông qua Nghị quyết về chủ đề “Chiến tranh mạng - Mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới”. Đây là lần đầu tiên vấn đề chiến tranh mạng được đưa ra xem xét, thảo luận ở một tổ chức toàn cầu.
Nguồn tin: ictnews.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Công bố kèm theo Quyết định này thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của UBND tỉnh Sơn La bao gồm các lĩnh vực: Lĩnh vực nội vụ: Thủ tục Bổ nhiệm vào ngạch công chức đối với người hoàn thành chế độ tập sự; thủ tục Thẩm...