Phần mềm nguồn mở tìm được nhiều "đất sống"

Thứ hai - 17/12/2012 15:48
Phần mềm nguồn mở (PMNM) đã có mặt không chỉ ở các cơ quan Nhà nước cấp địa phương mà còn được nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn triển khai rộng rãi. Dù còn nhiều khó khăn song PMNM đã có thêm nhiều cơ hội để tồn tại và phát triển.

 

 

Cơ quan Nhà nước "chào đón"

Ở cấp Bộ, ngành, một số đơn vị như Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai PMNM phục vụ công tác quản lý điều hành công việc và trong hoạt động cung cấp dịch vụ công ...

“Gương điển hình” lớn nhất là Bộ Giáo dục & Đào tạo. TS. Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, khẳng định ngành giáo dục đã có nhiều sản phẩm được thiết kế trên PMNM phát huy hiệu quả tốt trong thực tế. Cụ thể, Cổng thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ www.moet.gov.vn được thiết kế và lập trình trên cơ sở khai thác mã nguồn mở PHP, Web server Apache và My SQL;  Cổng thông tin điện tử của nhiều trường đại học được thiết kế trên nền PMNM như Liferay portal, Uporrtal,...; Kho tài nguyên www.edu.net.vn sử dụng phần mềm nguồn mở  Server Community; Hầu hết cán bộ, giáo viên, sinh viên quen dùng Firefox và Unikey; Hệ điều hành máy chủ bước đầu chuyển sang dùng Linux Server, CentOS… Hệ thống thông tin quản lý giáo dục trực tuyến cũng được lập trình PHP và chạy trên CentOS.

Định hướng trong thời gian tới, các hệ thống thông tin quản lý của ngành giáo dục - đào tạo sẽ chuyển sang nền PMNM, từ hệ điều hành đến máy trạm. Tất cả các website của các cơ sở giáo dục đều chạy PMNM, không dùng SharePoint Server. Đặc biệt, sẽ viết lại giáo trình, sách giáo khoa trên nền PMNM.

Đối với các địa phương, có thể kể đến những tỉnh/thành phố đang đi đầu trong việc triển khai PMNM là Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Quảng Nam, Vĩnh Long...

Tại Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Diệu, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang cho biết PMNM đã được dùng trong nhiều công việc khác nhau, chẳng hạn 20 đơn vị đã xây dựng website trên nền Joomla, 6 đơn vị cấp sở, huyện đã xây dựng phần mềm một cửa điện tử bằng Drupal; 4 đơn vị đang chạy thử nghiệm phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc với Drupal. Năm 2012 sẽ triển khai phần mềm quản lý văn bản này cho 15 đơn vị, tích hợp Một cửa điện tử với phần mềm quản lý văn bản.

Tại Quảng Nam, Giám đốc Sở TT&TT Hồ Quang Bửu chia sẻ: “Từ năm 2009 đến nay, Quảng Nam đã đẩy mạnh ứng dụng PMNM và đạt được một số kết quả quan trọng như đã tổ chức đào tạo cho gần 300 cán bộ, công chức sử dụng phần mềm văn phòng nguồn mở như OpenOffice (Writer, Calc, Impress), Mozilla, Ubuntu ...; đào tạo quản trị mạng trên nền nguồn mở Linux cho cán bộ chuyên trách CNTT; xây dựng các phần mềm ứng dụng trên nền tảng mã nguồn mở như website, portal, quản lý văn bản và điều hành, một cửa điện tử...”.

Ông Nguyễn Tấn Dương, Phó Giám đốc Sở TT&TT Vĩnh Long cũng cho biết từ năm 2009 đến năm 2012, rất nhiều khóa đào tạo PMNM đã được triển khai cho cán bộ công chức, giáo viên tin học của các trường PTTH. Về triển khai ứng dụng, đáng lưu ý nhất là phần mềm một cửa điện tử nguồn mở đã được cài đặt và sử dụng tại Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Vũng Liêm...

Các lãnh đạo Sở TT&TT đều chung nhận định rằng triển khai PMNM sẽ giúp tiết giảm chi phí phát triển ứng dụng CNTT, phù hợp với điều kiện ngân sách của địa phương vốn dĩ còn hạn hẹp mà phải đảm trách rất nhiều mảng hoạt động khác nhau, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, chủ động phần mềm để triển khai ứng dụng,..

Doanh nghiệp lớn cũng "mở lòng"

Tín hiệu vui đối với cộng đồng PMNM là ngay cả những Tập đoàn lớn như Viettel cũng đã “để ý” tới PMNM. Ông Nguyễn Ngọc Long, Trung tâm CNT, Viettel Telecom cho biết chỉ trong thời gian 9 tháng (1/3/2011-19/10/2011), Viettel đã triển khai hệ điều hành mã nguồn mở Ubuntu và hệ quản trị tập trung mã nguồn mở Zentyal xuống 64 chi nhánh viễn thông Viettel; tổng số lượng máy tính đã triển khai hệ điều hành và PNMN là 3976 máy trên tổng số 10.529 máy, chiếm 37,76% tổng số lượng máy tính tại 64 chi nhánh. Tại các Trung tâm viễn thông huyện, đã triển khai 3086 máy tính trên tổng số 5816 máy, chiếm 53% tổng số máy tính tuyến huyện. Ước tính tiết kiệm 72 tỷ đồng phí bản quyền cho hàng ngàn máy trạm dùng Ubuntu.

Đặc biệt, Viettel đã xây dựng được một gói hệ điều hành Ubuntu & PMNM chuẩn áp dụng cho riêng Viettel (thân thiện và khá giống với Windows). Các máy tính sử dụng hệ điều hành Ubuntu  & PMNM đáp ứng tốt công việc của nhân viên và yêu cầu công việc công ty. Việc sử dụng của người dùng khá đơn giản và thành thục. Mặt khác, cũng khá dễ dàng triển khai các hệ thống PMNM tương ứng trong việc quản lý toàn bộ máy trạm, đảm bảo an toàn thông tin…

Lý do lớn nhất khiến PMNM “chinh phục” được lãnh đạo Viettel là Ubuntu và PMNM tuân theo giấy phép (license) mở, giúp Viettel hoàn toàn chủ động, không lệ thuộc công nghệ vào các công ty, tập đoàn lớn khác. Ngoài ra, PMNM có thể tùy chỉnh theo nhu cầu công việc người dùng và theo yêu cầu nghiệp vụ của từng doanh nghiệp; tiết kiệm được chi phí cho việc mua bản quyền hệ điều hành và các phần mềm đi kèm; PMNM có 1 cộng đồng lớn luôn sẵn sàng hỗ trợ xử lý các lỗ hổng xuất hiện và các lỗi với thời gian ngắn.

Cũng theo ông Long, một kế hoạch tổng thể và chương trình hành động triển khai Ubuntu & PMNM tại Viettel đã và đang được gấp rút xây dựng, triển khai. Trung tâm CNTT trực tiếp điều hành, kiểm soát việc triển khai toàn quốc. Viettel đã thành lập riêng một nhóm nghiên cứu, hỗ trợ  áp dụng hệ điều hành và PMNM trong công ty, tập đoàn; tiến hành xây dựng phiên bản Viettel-Ubuntu  dựa trên phiên bản Ubuntu miễn phí của nhà cung cấp, có các tính năng và phần mềm đáp ứng được nhu cầu làm việc của nhân viên; tiếp tục can thiệp sâu hơn vào các thành phần lõi của hệ điều hành Ubuntu và các PMNM nhằm mục tiêu kiểm soát hoàn toàn và tùy chỉnh theo đặc điểm riêng của tập đoàn trong vấn đề bảo đảm, bảo vệ thông tin chủ động.

Dẫu rằng hiện vẫn còn những băn khoăn về khó khăn trong việc thay đổi thói quen sử dụng hệ điều hành Windows và phần mềm bản quyền sang Ubuntu và PMNM; sự tương thích kém giữa phần mềm bản quyền và PMNM dẫn đến nhiều lỗi liên quan đến hiển thị, truy xuất dữ liệu; thiếu nhiều PMNM có thể thay thế được các PM bản quyền; lực lượng nhân viên CNTT còn mỏng, gây khó khăn cho việc triển khai và hỗ trợ người dùng xử lý các lỗi phát sinh...

Tuy nhiên, chỉ cần chờ thời gian, những khó khăn này sẽ được khắc phục bởi đặc điểm lớn nhất của PMNM là huy động được sức mạnh trí tuệ của cả cộng đồng.

Ông Vũ Đỗ Quỳnh, trường Đại học Pháp ngữ (AUF):

"Nhờ ứng dụng PMNM, năm 2005, số tiền tiết kiệm từ việc không phải mua giấy phép bản quyền cho MS Windows và MS Office của AUF ước trên 300.000 Euro".

Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Câu lạc Bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA):

"PMNM dành cho ứng dụng văn phòng đã đạt mức độ chín muồi cho triển khai trên diện rộng. Hệ điều hành GNU/Linux, Open/LibreOffice, Firefox, Thunderbird, bộ gõ tiếng Việt… chạy ổn định từ nhiều năm nay. Giao diện tiếng Việt tương đối hoàn chỉnh, dễ dàng cài đặt. Thông báo của Microsoft về ngừng hỗ trợ cho XP, Office 2003... vào 2014 và khuyến cáo mua phiên bản mới là một cơ hội để đề xuất giải pháp thay thế triệt để phần mềm thương mại bằng PMNM".

Ông Nguyễn Cao Thắng, Sở TT&TT Hải Dương:

"Trên thị trường hiện nay có rất nhiều phiên bản máy chủ thư điện tử (mail server) như MDaemon server của hãng Alt-N Technologies, Exchange server của Microsoft… Tuy nhiên, không chỉ tốn kém chi phí cho việc mua bản quyền và duy trì cập nhật hàng năm, các phần mềm này chưa đáp ứng tốt được việc hỗ trợ đối với số lượng tài khoản lớn (giới hạn khoảng 5.000 tài khoản). Trong khi đó, đã có nhiều phần mềm mail server nguồn mở như Hmail, Qmail, Sendmail, OpenWebmail… hoạt động ổn định và tốc độ xử lý thư rất nhanh, miễn phí đầu tư ban đầu, yêu cầu đối với hạ tầng phần cứng và phần mềm là tương đối thấp, không gian cần thiết cho việc cài đặt khá nhỏ (chỉ vài chục MB)..."

Tác giả bài viết: huongmtd

Nguồn tin: ictnews

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới Thiệu

Ủy ban nhân dân tỉnh công bố thủ tục hành chính nội bộ trong tỉnh Sơn La

Công bố kèm theo Quyết định này thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của UBND tỉnh Sơn La bao gồm các lĩnh vực: Lĩnh vực nội vụ: Thủ tục Bổ nhiệm vào ngạch công chức đối với người hoàn thành chế độ tập sự; thủ tục Thẩm...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến website trung tâm CNTT & Truyền thông qua kênh thông tin nào

Ảnh hoạt động
IMG-7754.jpg IMG-7795.jpg IMG-7801.jpg IMG-7771.jpg 20170719-092244.jpg 20170719-092505.jpg
Liên kết nhanh
Thống kê
  • Đang truy cập66
  • Hôm nay1,606
  • Tháng hiện tại131,258
  • Tổng lượt truy cập9,412,248
Hỗ Trợ Online
Soi Keo Bong Da,
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây