Nhiều vướng mắc “làm khó” việc cấp phát địa chỉ IPv4
Tại buổi báo cáo công tác quản lý, cấp phát sử dụng địa chỉ IPv4, ông Hoàng Minh Cường, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, dù VNNIC đã nhận được một số văn bản xin cấp thêm địa chỉ IPv4 của một số doanh nghiệp nhưng việc xử lý các yêu cầu xin cấp phát gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể, do địa chỉ IP là tài nguyên quốc gia và không nằm trong đối tượng được phép mua bán, chuyển nhượng theo nội dung quy định của Luật Viễn thông nên việc mua bán, chuyển nhượng địa chỉ IP giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước là hành vi bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức.
Do đó, việc xử lý các yêu cầu chuyển nhượng địa chỉ IPv4 giữa các thành viên địa chỉ của VNNIC đều không thực hiện được. “Điển hình là các trường hợp yêu cầu chuyển nhượng tài nguyên địa chỉ IP sau khi sát nhập, chia tách hoặc tái cơ cấu tổ chức như từ công ty EVN Telecom sang Viettel, từ Habubank sang SHB hay từ CMC Telecom sang CMC TI”, ông Cường dẫn chứng.
Cũng theo ông Cường, do hiện tại chưa có quy định cho phép mua bán, chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng nên VNNIC không có sở cứ để thực hiện đồng bộ các trường hợp trên. Mặc khác, trong thực tế có nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu tiếp tục sử dụng địa chỉ IP hoặc không đưa địa chỉ vào sử dụng theo quy định nên bị thu hồi. “Những địa chỉ thu hồi được này hoàn toàn có thể cấp phát lại cho các thành viên khác sử dụng”, ông Cường khẳng định.
Tuy nhiên, một vướng mắc nữa là nếu áp dụng chính sách hiện hành thời kì cạn kiệt theo chính sách của APNIC thì việc cấp phát ra cũng chỉ được ở mức giới hạn (duy nhất 1024 địa chỉ cho mỗi thành viên) và không thể đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp có lượng thiết hụt địa chỉ lớn như CMC hay FPT. “Vì thế, trường hợp 8.000 địa chỉ của Đông dương Telecom do thu hồi về không có nhu cầu sử dụng cũng không thể cấp lại được cho CMC như đề nghị”, ông Cường nói.
Sẽ cấp phát Ipv4 dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp
Ông Cường cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng tài nguyên IPv4, VNNIC kiến nghị Bộ TT&TT điều chinh một số chinh sách quản lý địa chỉ. Cụ thể, đối với các trường hợp có nhu cầu thay đổi chủ thể quản lý địa chỉ do mua bán sát nhập DN, tái cơ cấu, chia tách…, nếu có chứng thực của cơ quan quản lý có thẩm quyền, VNNIC sẽ được quyền chủ động thực hiện các thủ tục thẩm định, cơ sở pháp lý và ra quyết định điều chuyển để xử lý. “Đây thực chất không phải hoạt động chuyển nhượng địa chỉ nên không vi phạm pháp luật”, ông Cường lý giải.
Ngoài ra, đối với các địa chỉ được VNNIC thu hồi từ thành viên theo các quyết định thu hồi địa chỉ do không có nhu cầu sử dụng hoặc do vi phạm quy định…, VNNIC sẽ được phép xây dựng một quy định riêng để cấp pháp lại vùng địa chỉ này cho các nhu cầu trong nước trên cơ sở công khai, minh bạch và công bằng, phù hợp với các thành viên.
Đối với vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, sở dĩ chúng ta phải quản lý chặt địa chỉ IP là do liên quan đến tài nguyên quốc gia và các vấn đề về an toàn, an ninh nên sẽ phải thuộc nhà nước quản lý. Chính vì thế, địa chỉ IP sẽ không được chuyển nhượng, chuyển giao giữa các doanh nghiệp mà chỉ có thể trả lại hay cơ quan nhà nước thu lại để cấp phát cho doanh nghiệp khác theo nguyên tắc “ai đăng ký trước thì được cấp trước”. “Còn việc cấp phát bao nhiêu địa chỉ, chúng ta sẽ phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp thay vì chỉ theo quy định của APNIC”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết.
Tác giả bài viết: huongmtd
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Sơn La, được thành lập từ 20/12/2004, tại Quyết định số 189/2004/QĐ-UB, của UBND tỉnh Sơn La, tiền thân là Trung tâm tin học trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh Sơn La. Chính thức được đổi tên thành Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La từ...