Tổng giám đốc Stephen Elop - “người Microsoft” gia nhập Nokia năm 2010 - đã có quyết định mạo hiểm khi loại bỏ hệ điều hành Symbian, mở cửa cho Windows Phone - nền tảng điện thoại chưa được thử thách.
Ngày 11/4, Nokia thông báo có thể lỗ trong 2 quý đầu năm nay, sau khi nhu cầu điện thoại Symbian giảm mạnh và doanh số các điện thoại Windows Phone mới chưa thấm vào đâu. Thị trường từng hoảng sợ khi Elop đưa ra quyết định năm 2011, và một lần nữa chao đảo sau dự báo lỗ của Nokia. Bất kì nhà đầu tư nào cầm giữ cổ phiếu Nokia sau 1 năm vừa qua đều đã mất 2/3 giá trị khoản đầu tư của mình.
Đối ngược với tốc độ ra mắt điện thoại Windows Phone, doanh số bán hàng của Nokia vẫn chậm hơn so với kì vọng, trong khi khách hàng tiếp tục duy trì lòng trung thành với iPhone của Apple hay các mẫu điện thoại Android từ Samsung. Cả hai đều cung cấp số lượng ứng dụng nhiều hơn và nhận được hỗ trợ hùng hậu từ phía các nhà phát triển.
Theo chuyên gia Peter Cunningham của hãng nghiên cứu Canalys, còn quá sớm để nói Nokia đã bị đẩy khỏi cuộc chơi. Hãng đang trong thời kì chuyển giao sang Windows Phone nhưng không còn thời kì huy hoàng. 6 tháng tới sẽ vô cùng quan trọng cho tương lai dài hạn của công ty. Lumia 610 cần gặt hái được thành công, và hãng cũng cần một số sản phẩm “hit” tấn công thị trường vào mùa Giáng sinh.
Tình thế khó khăn của Nokia
Theo hãng tin Reuters (Anh), trong quý đầu năm nay, Nokia bán được hơn 2 triệu điện thoại Lumia, quá nhỏ bé so với doanh số 31 triệu iPhone của Apple và 37 triệu smartphone của Samsung. Trong khi đó, theo tính toán của các nhà nghiên cứu thị trường, Nokia buộc phải bán được 27 triệu máy trong năm 2012, 55 triệu máy năm 2013 và 94 triệu máy năm 2014 nếu không muốn thất thế trên thị trường.
John Strand - nhà sáng lập công ty nghiên cứu Strand Consult hài hước khi cho rằng, nếu họ trình diễn được số lượng khả quan, bản nhạc kế tiếp dành cho Nokia sẽ là “Nấc thang lên thiên đường”. Còn không, sẽ là “Bạn có thể tệ tới mức nào” hay “Tạm biệt”.
Nokia cần giải quyết những vấn đề nếu muốn đạt tới con số kể trên: để bán nhiều điện thoại cần tới nhiều ứng dụng, song để hấp dẫn các nhà phát triển lại cần phải bán được nhiều điện thoại. 80.000 ứng dụng cho Windows Phone không phải là nhỏ, nhưng chỉ là giọt nước so với nửa tỉ ứng dụng có sẵn cho người dùng iPhone và Android.
Nokia “đốt” 700 triệu euro trong quý đầu năm 2012, và vẫn còn lại khoảng 4,9 tỉ euro ngân sách vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, trong khi giá cổ phiếu tiếp tục giảm, có lẽ Nokia sẽ hết thời gian và các nhà đầu tư hết niềm tin trước khi công ty hết sạch tiền.
Giá trị thị trường của Nokia chỉ còn 11,3 tỉ euro, bằng 1/10 đỉnh cao năm 2007, cũng là năm iPhone “gây bão” trên thị trường, và dần trở thành con mồi cho những kẻ muốn thôn tính hãng điện thoại Phần Lan này. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho hay, các đối tượng trên chỉ ra quyết định thâu tóm sau khi có bằng chứng cho thấy chiến lược Windows Phone có tác dụng.
Mới đây, Reuters cũng cho biết Nokia có vẻ đã đánh mất vị trí nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới trong quý 1/2012 vào tay đối thủ Samsung Electronics sau khi thống trị thị trường 14 năm.
Timo Rothovius, Chủ tịch Liên minh cổ đông Phần Lan đánh giá: “Tại thời điểm hiện tại, dường như quyết định chiến lược của Nokia chưa đúng đắn. Có thể Windows Phone sẽ cất cánh một lúc nào đó, tuy nhiên ngay lúc này rất khó để thấy được ánh sáng cuối con đường. Một thứ gì đó quyết liệt cần phải được thực hiện. Sự tín nhiệm của Nokia trên thị trường đang suy yếu, và rõ ràng đặt cược mọi thứ vào một quân bài duy nhất không phải là ý hay”.
Tác giả bài viết: quangtd
Nguồn tin: ictnew
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Sơn La, được thành lập từ 20/12/2004, tại Quyết định số 189/2004/QĐ-UB, của UBND tỉnh Sơn La, tiền thân là Trung tâm tin học trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh Sơn La. Chính thức được đổi tên thành Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La từ...