Mạng TSLCD là dự án về Viễn thông - CNTT có quy mô toàn quốc, có ý nghĩa lớn về chính trị, kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong việc đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời, chính xác và an toàn trong mọi tình huống, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước tới các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước. Dự án cũng sẽ góp phần tạo tiền đề cho quá trình thực hiện cải cách hành chính, hướng tới việc xây dựng chính phủ điện tử trong tương lai.
Xuất phát điểm của Dự án là chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, theo tinh thần chỉ đạo tại văn bản số 104-CV/TW ngày 12/11/2002 của Trung ương. Ngày 19/2/2004, Chính phủ đã ra văn bản số 228/CP-CN giao VNPT mà trực tiếp là Bưu điện Trung ương xây dựng và quản lý, vận hành mạng TSLCD với băng thông lớn, tốc độ cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng và Chính phủ xuống các địa phương trong cả nước.
Từ năm 2007, Bưu điện Trung ương trực tiếp triển khai thực hiện Dự án này với 3 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất hoàn thiện hệ thống truyền số liệu từ cơ quan Đảng, Chính phủ đến các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành trên toàn quốc. Giai đoạn hai thực hiện từ năm 2009 với mục tiêu hoàn thiện mạng truyền số liệu từ UBND các tỉnh, thành đến các sở, ban, ngành, quận, huyện và giai đoạn ba sẽ triển khai đến cấp xã phường trên toàn quốc.
Đến nay, sau một thời gian vận hành thử nghiệm, mạng TSLCD của các cơ quan Đảng và Nhà Nước đã hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động với ba Trung tâm quản lý mạng đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM cùng với thiết bị truy nhập tại các bộ, cơ quan ngang bộ và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước (bao gồm cả các cơ quan Đảng và chính quyền), kết nối thông tin tới tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện.
Trong đó, kết thúc giai đoạn 1, đã có 220 đơn vị được kết nối vào mạng TSLCD, gồm 92 cơ quan Đảng, Nhà nước tại Trung ương và cơ quan đại diện tại Đà Nẵng, TP.HCM; 128 đơn vị UBND tỉnh/thành, tỉnh ủy/thành ủy của 63 tỉnh, thành. Giai đoạn 2 đã mở rộng kết nối mạng TSLCD đến 3.517 điểm tại tất cả các cơ quan sở, ban, ngành, quận, huyện, thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (đứng giữa), Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son (đứng bên phải) và Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT Phạm Long Trận (bên trái) bấm nút khai trương mạng Truyền số liệu chuyên dùng. (Ảnh: Ngọc Ninh).
Mạng TSLCD là mạng truyền dẫn tốc độ cao, công nghệ hiện đại, sử dụng phương thức truyền mạch nhãn đa giao thức (IP/MPLS). Kết nối mạng tại tất cả các đơn vị đều sử dụng cáp quang tốc độ 100/1.000Mbps; các kết nối đều đảm bảo tính dùng riêng, an ninh, an toàn và tính dự phòng cao, cho phép hoạt động thông suốt 24 giờ/7 ngày. Trên cơ sở hạ tầng tiên tiến và đồng bộ, mạng TSLCD đáp ứng tốt rất nhiều dịch vụ như: Truyền hình hội nghị; truy cập Internet tốc độ cao; cho thuê chỗ đặt máy chủ (Hosting); kết nối mạng riêng ảo; truy nhập từ xa (Remote Access IP VPN); truyền hình Internet chất lượng cao (IPTV)… Trong thời gian tới, VNPT sẽ tiếp tục cung cấp thêm nhiều dịch vụ trên hạ tầng mạng TSLCD như: thoại qua IP; các dịch vụ dữ liệu và dịch vụ trên nền IPv6....
Với công nghệ tiên tiến của mạng TSLCD, từ tháng 10/2007 đến nay, Bưu điện Trung ương đã phục vụ nhiều phiên họp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước; các buổi họp giao ban trực tuyến của Chính phủ, các bộ, ban, ngành với các địa phương trên phạm vi toàn quốc với chất lượng cao, tiết kiệm chi phí; đóng góp tích cực vào thành công của nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Tiêu biểu như ngày 31/3/2009, thông qua mạng TSLCD, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã họp trực tuyến qua cầu truyền hình với lãnh đạo 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Đây là cuộc họp đầu tiên của Chính phủ tổ chức qua cầu truyền hình với số lượng điểm cầu lên tới 64 điểm. Ngày 2/12/2009, thông qua mạng TSLCD tại điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc đàm thoại qua hệ thống truyền hình trực tuyến với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban-Ki-Mun tại New York (Hoa Kỳ) và lãnh đạo một số quốc gia về chủ đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Mới đây nhất, mạng TSLCD đã góp phần tích cực trong công tác thông tin phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và cuộc họp Giao ban trực tuyến của Quốc hội với 63 điểm cầu trên cả nước...
Đến dự và phát biểu tại Lễ khai trương, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã biểu dương và ghi nhận những kết quả mà Tập đoàn VNPT và Bưu điện Trung ương đạt được trong quá trình xây dựng và hoàn thiện mạng TSLCD. Theo Phó Thủ tướng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển, ứng dụng CNTT nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, ứng dụng rộng rãi CNTT trong người dân, trong doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước. Trong đó, Mạng TSLCD của các cơ quan Đảng, Nhà nước là một trong những Dự án quan trọng nhất nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin của đất nước.
“Giai đoạn 2 của Dự án đã cơ bản hoàn thành tốt việc kết nối giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước và mục tiêu cho giai đoạn 3 là làm sao để từ hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên dùng này, có thể mở rộng để phục vụ nhu cầu kết nối của hàng chục triệu người dân với các cơ quan Đảng, Nhà nước. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm ban hành và trình Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách thúc đây việc triển khai các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; các hệ thống thông tin CSDL chuyên dùng nhằm đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả cao CNTT vào công tác quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước; nâng cao hiệu quả khai thác của mạng TSLCD; xây dựng các nguyên tắc cho việc triển khai ứng dụng trên hạ tầng mạng chuyên dùng và nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý, điều hành mạng một cách hiệu quả nhất” - Phó Thủ tướng nói.
Qua khảo sát tại 63 tỉnh, thành trên toàn quốc, tỉ lệ các đơn vị sử dụng mạng TSLCD trên tổng số các đơn vị đã triển khai tương ứng là: Khu vực miền Bắc 81%, miền Trung 67%, miền Nam 66%. Dự kiến trong giai đoạn 2012-2014, mạng TSLCD sẽ tiếp tục mở rộng kết nối tới hơn 11.000 xã, phường trên cả nước; phấn đấu đến năm 2015, 100% xã, phường được kết nối vào mạng TSLCD, tạo nên một mạng thông tin liên lạc thông suốt, hiệu quả giữa Trung ương với tất cả các địa phương.
Với vai trò và trách nhiệm của Tập đoàn Kinh tế chủ lực quốc gia về Viễn thông - CNTT, VNPT khẳng định luôn đáp ứng tốt nhất mọi yêu cầu, nhiệm vụ về thông tin liên lạc phục vụ Đảng và Nhà nước và sẽ không ngừng nỗ lực hơn nữa, sẵn sàng cho những nhiệm vụ mới, đảm bảo việc xây dựng hạ tầng cho một Chính phủ điện tử trong tương lai không xa.
Tác giả bài viết: Theo VnMedia
Nguồn tin: Theo VnMedia
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Sơn La, được thành lập từ 20/12/2004, tại Quyết định số 189/2004/QĐ-UB, của UBND tỉnh Sơn La, tiền thân là Trung tâm tin học trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh Sơn La. Chính thức được đổi tên thành Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La từ...