Tiếp nối bài viết "Máy tính bảng không gây hại cho học sinh", ICTnews đã trao đổi với một số chuyên gia, doanh nghiệp về chủ đề có nên trang bị máy tính bảng (tablet) cho học sinh học tập hay không, và nên đầu tư như thế nào cho phù hợp.
Ông Nguyễn Việt Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ, Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA)
Tôi ủng hộ việc đầu tư máy tính bảng cho học sinh, nhưng phải đầu tư sao cho hợp lý. Cần tính toán thật kỹ chi phí bỏ ra và những lợi ích có thể đạt được. Vấn đề quan trọng là khi trang bị tablet cho số đông học sinh thì cần làm sao để không bị lũng đoạn trong chuyện cung cấp trang thiết bị chất lượng thấp, điều kiện độc quyền... Không nên đưa yếu tố "giá rẻ" lên hàng đầu. Ở Việt Nam, đã từng có chương trình máy tính giá rẻ như Máy tính Thánh Gióng bị thất bại mà mà một trong những nguyên nhân là việc cung ứng máy tính giá rẻ bị lũng đoạn. Hiện trên thị trường đã sẵn có nhiều tablet giá rẻ nhưng không thể sử dụng lâu dài vì chóng hỏng.
Bản thân việc trang bị tablet cho học sinh học tập là tốt, nhưng cần lưu ý tới tình huống trẻ em ở thành thị có cơ hội tiếp cận tablet nhiều hơn trẻ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong khi vẫn học chung một chương trình. Ở đây, cần có vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo công bằng xã hội, tránh những đề án trang bị tablet chỉ để phổ cập tablet ở riêng khu vực thành thị.
Mặt khác, đừng nghĩ tới mỗi chuyện đầu tư máy tính mà phải thiết kế một chương trình theo hướng đầu tư cả một hệ sinh thái gồm cả thiết bị, hạ tầng, nội dung số cho việc học tập. Hiện câu chuyện nội dung số vẫn chưa thấy được nhiều người đề cập khi bàn về câu chuyện đầu tư tablet cho học sinh. Trên Internet luôn có cả nội dung xấu và nội dung tốt. Cách tốt nhất để học sinh không truy cập nội dung xấu chính là phát triển thật nhiều nội dung tốt, để nội dung tốt lan tràn trên mạng.
TS. Nguyễn Ái Việt, Viện trưởng Viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội:
Tôi không tán thành việc bắt buộc cha mẹ học sinh phải bỏ tiền mua máy tính bảng bởi nhiều gia đình chưa có điều kiện để mua máy tính bảng. 4- 5 triệu đồng vẫn là một khoản chi tiêu rất lớn đối với họ.
Theo tôi, Nhà nước phải bỏ tiền đầu tư máy tính bảng cho học sinh. Số tiền đầu tư 20 triệu máy tính bảng cho học sinh vẫn thấp hơn rất nhiều so với dự kiến 35.000 tỷ đồng đầu tư cho Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa gây xôn xao dư luận thời gian qua. Nếu có đề án trang bị 20 triệu máy tính bảng cho học sinh thì sẽ kích cầu thị trường rất lớn. Tuy nhiên, chỉ giao cho một "ông" doanh nghiệp cụ thể cung cấp máy tính bảng thì không ổn. Giao tiền để doanh nghiệp sản xuất thì rất dễ vấp ngay phải chuyện sử dụng "hàng Tàu", hàng kém chất lượng. Cần phải hỗ trợ cho nhân dân chứ không hỗ trợ cho mấy doanh nghiệp làm dự án.
Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm từ Mỹ - cho mỗi cháu trong tuổi đi học 1 phiếu mua hàng (voucher) 3 triệu đồng đủ để mua một tablet bậc thấp, gia đình nào có điều kiện có thể bỏ thêm tiền để mua tablet bậc cao. Sau khi mua xong, mang thiết bị đến trường để học thì sẽ được làm thủ tục thanh toán khoản 3 triệu đồng đó. Thực tế nhiều gia đình vẫn muốn bỏ thêm tiền để mua máy có chất lượng cao còn hơn phải dùng máy tính giá rẻ nhưng vài tháng đã hỏng.
Việc trang bị tablet cho học sinh không nên tập trung ưu tiên tiêu chí "giá rẻ" bởi nhiều thiết bị giá rẻ có vòng đời sử dụng rất ngắn. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Ông Nguyễn Nhật Quang, Chủ tịch Công ty Phần mềm Hài Hòa:
Đề án đầu tư tablet cho học sinh cần được thiết kế theo hướng Nhà nước chủ yếu hỗ trợ chính sách, rồi để thị trường tự vận hành, như vậy sẽ tốn không đến 1.000 tỷ đồng. Nhà nước chỉ hỗ trợ cho những gia đình có hoàn cảnh thực sự khó khăn. Đầu tư thiết bị cho học sinh phải là sự đầu tư của cả xã hội chứ không từ ngân sách Nhà nước. Có những việc không tốn kém mà vẫn có thể làm được ngay, tạo được hiệu quả ngay, chẳng hạn như đưa sách giáo khoa lên mạng cho học sinh tải về miễn phí. Còn về việc đầu tư máy tính bảng, cần nghĩ rộng hơn tới môi trường học tập của học sinh, những giải pháp có thể hỗ trợ cho việc dạy và học tại nhà trường.
Nguồn tin: ictnews.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Sơn La, được thành lập từ 20/12/2004, tại Quyết định số 189/2004/QĐ-UB, của UBND tỉnh Sơn La, tiền thân là Trung tâm tin học trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh Sơn La. Chính thức được đổi tên thành Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La từ...